14 thg 8, 2013

Chợ nổi Cà Mau - nét duyên ngầm miền quê sông nước

Cà Mau có nhiều chợ nổi nhưng nổi tiếng nhất là chợ nổi phường 8 ở đoạn cuối sông Gành Hào và chợ nổi Thới Bình ở ngã ba sông Trẹm - Chắc Băng. So với những chợ nổi của miền Tây Nam Bộ như: Cái Răng, Phụng Hiệp - Ngã Bảy, Phong Điền (Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang)... thì chợ nổi ở Cà Mau còn “thua chị, kém em” nhiều nhưng nó vẫn gợi lên nét duyên thầm của miề quê sông nước.

Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm âm lịch, chúng tôi làm một chuyến về chợ nổi Cà Mau. Ngày thường, chợ nổi phường 8 có trên dưới 200 phương tiện ghe, tàu neo đậu, mua bán trao đổi hàng hóa ken đặc cả một khúc sông. Người ta có thể nhìn thấy một dãy ghe rập rờn xao động cả mặt sông, những cái chân vịt gác chỏng lên loang loáng dưới mặt trời. Người mua, kẻ bán rộn ràng, nhộn nhịp. Lúc này, chúng tôi đã thấy một chợ nổi Cà Mau sống động như Nguyễn Ngọc Tư viết: “Sao bạn lại không thể cùng tôi dạo chợ trên sông, đi từ buổi sớm mai trong lành để ngắm xóm chợ tươi tắn, nhiều màu sắc và lạ lùng trong con mắt người xứ khác. Mà, sao lại là buổi mai ? Vì chợ lúc bình minh lên như thời thơ ấu của một đời người, đẹp đẽ, tinh khiết, trong ngần. Sương đọng trên chiếc mùng giăng trên mui ghe của đám trẻ con ngủ vùi, ngủ nướng rồi bảng lảng tan cho một ngày buôn bán bận rộn bắt đầu. Hàng trăm chiếc ghe to, nhỏ khẳm lừ, đậu sát vào nhau thành một dãy dài, người bán, người mua trùng trình trên sóng nước. Buổi sớm mai, đó là buổi của những chiếc xuồng con với các chị, các dì bán hàng ăn sáng, mùi thơm của các loại bánh lan tỏa xa hơn cả tiếng rao hàng, là buổi của những chiếc ghe hàng bông đổ ra từ trăm ngàn con sông, rạch để bổ hàng rồi trở về theo trăm ngàn lối sông rạch cho chuyến buôn xa. Buổi của những chủ ghe tất bật bày biện sao cho mớ hàng hóa của mình mới mẻ, tươi tắn và tinh tươm nhất.”

Ghe chúng tôi len lỏi vào giữa chợ. Những nhánh cây cắm đầu ghe lủng lẳng những: chùm chôm chôm, xoài, thơm, cà tím….Ấy là cách buôn bán ở chốn này. Ghe nào bán gì thì cứ treo “sản vật” ấy lên đầu nhánh cây để người tầm xa tầm gần chỉ cần đưa mắt liếc sơ là biết chỗ đến mua, đến bán. Từ xa, những chiếc ghe chở dưa hấu từ miệt vườn Long An, Cần Thơ đang trùng trình ghé tới, những chiếc khác trên mui chở đầy hoa, kiểng đủ màu tươi tắn từ Sa Đéc – Đồng Tháp, Cái Mơn – Bến Tre như đang chở cả màu Tết về trên sông.
Chuyến đi lần này, có lẽ thú vị nhất là khi ngồi trên ghe giữa bốn bề lồng lộng gió, mùi nước sông hắt lên dễ chịu, chúng tôi được nghe tâm sự của những người dân cả đời gắn với chiếc ghe, mũi sào. Có người cả đời không nhớ nổi mình đã đi qua bao nhiêu dòng sông, con rạch, ghé buôn bán ở những chợ nào nhưng lại thuộc rành rọt từng ngõ ngách, từng tên chợ trên vùng sông nước mênh mông như trong lòng bàn tay mình vậy. Đời thương hồ hợp tan theo con nước, theo từng buồi chợ đông, chiều muộn. Nồi cơm, nồi canh nhiều khi đã dọn song chưa kịp ăn thì đã bị nghiêng đổ do ghe lắc lư bởi những con sóng đánh. Họ gặp nhau ban đầu cũng chỉ là xin chút mồi lửa, trao nhau vài nắm gạo lứt, tấm vải bố tời, trái bầu, trái bí…riết rồi thành quen rồi thành xóm chợ - họp cùng nhau sung túc tự lúc nào. Dù mỗi người một hoàn cảnh, một xứ sở, một quê hương nhưng khi gặp nhau ở một chợ, neo đậu ghe cùng khúc sông thì họ sống với trách nhiệm cộng đồng rất cao. Họ kết nghĩa anh em bầu bạn, tri âm, tri kỷ và không ít người kết nghĩa thông gia, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, khó khăn. Hèn gì mà cha ông ta ngày xưa đã nói: "Bớ chiếc ghe sau chèo mau tôi đợi. Khúc sông này bờ bụi khó qua". Họ sống nghề này thật lắm nỗi thăng trầm. Ngoài sự cần cù, chịu thương, chịu khó còn đòi hỏi sự khéo léo, nhanh nhạy trong nắm bắt thị trường, nhất là qua từng buổi chợ, ở từng nơi đều phải biết tích lũy kinh nghiệm sống. Tuy vậy, họ tin vào hên - xui, may - rủi, tin vào "Bà Cậu" trên sông trong mua bán. Họ quan niệm "đầu có xuôi thì đuôi mới lọt", mua nhanh - bán nhanh, mua may - bán đắt nên khi mua hàng xuống ghe bao giờ họ cũng vui vẻ ra mặt, nhanh nhẹn trong từng động tác. Và, cứ mỗi buổi chợ sáng ra, họ cúng vái “Bà Cậu” cầu mong gặp người mở hàng "đắt". Để lấy may mắn lúc mở hàng, người bán thường rao sát giá mặt hàng nhưng cũng không bán liền mà chờ người mua mặc cả một, hai lời để họ nài thêm đôi ba câu. Khi thuận mua, vừa bán thì họ tạm yên lòng vì đã tìm được người mở hàng may, hy vọng buổi chợ ấy bán được.

Ngày xuân đi chợ nổi là về với một vùng sông nước thanh bình, về với nền văn hóa sông nước sôi động mà sâu lắng. “Nước sông Gành Hào ngày ngày ra biển rồi lại quay về há không phải vì không nỡ xa, không phải vì thương nhớ chợ nổi Cà Mau đó sao ? Sông còn vậy, huống chi người ?”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét