14 thg 8, 2013

Hồn quê nơi phố Hiến


Không huyên náo như phố cổ Hà Nội, phố Hiến êm đềm nửa quê nửa phố, phảng phất dấu ấn một thương cảng sầm uất từng vang bóng một thời. Ngay từ khi hình thành, phố Hiến đã mang diện mạo của một đô thị kinh tế với kết cấu một bến cảng sông, một tập hợp chợ, phường, phố... các thương điếm của người nước ngoài. 



Nó được hình thành như một đô thị đa quốc tịch, trong đó nhiều nhất là người Việt và người Hoa. Phố Hiến ngày nay là dải bãi bồi từ thôn Đằng Châu (xã Lam Sơn) đến thôn Nễ Châu (phường Hồng Châu, TP Hưng Yên) với những địa danh trên cùng trục đường mà du khách không thể bỏ qua:
1. Đền Quan Lớn - Văn miếu Xích Đằng (phường Lam Sơn)
2. Chùa Chuông - đình An Vũ (phường Hiến Nam)
3. Chùa Nễ Châu - Chùa Hiến - Đông Đô Quảng Hội (đường Phố Hiến)
4. Đền Mẫu - đền Trần (đường Bãi Sậy, phường Quang Trung, TP Hưng Yên)
5. Đền Thiên Hậu - Chùa Phố - Võ Miếu (đường Trưng Trắc, phường Quang Trung).

Xuất phát từ bến xe Lương Yên (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), chúng tôi bắt đầu hành trình gần hai giờ qua Văn Giang rồi Khoái Châu, cuối cùng trước mắt cũng hiện ra một bờ đê xanh mướt. Một bên những bó hương làng Cao Thôn bung xòe, khoe sắc; bên kia những rặng tre xanh rì và hàng nhãn lồng rợp bóng...
Đền Quan Lớn nằm bên bờ đê sông Hồng với cổng tam quan đồ sộ. Đền thờ vị quan đệ tam đã có công lao đánh giặc Thục, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc. Trong đền mọi thứ đều sơn son thếp vàng, tiếng hát chầu văn đều đặn vang lên, tạo một cảm giác thiền tịnh và thư thái. Theo thần tích “Hùng triều nhất vị thuỷ thần xuất thế sự tích” (sự tích ra đời một vị thuỷ thần triều vua Hùng) chép lại thì Quan Lớn Đệ Tam chính là con của vua cha Bát Hải Long Vương với nàng Quý. Thần tích kể rằng: sau ba năm để tang cha, một hôm nàng Quý ra bờ sông tắm gội, ngâm mình dưới nước, bỗng mặt nước nổi sóng, từ phía xa một con thuồng luồng khổng lồ bơi tới quấn lấy nàng, khiến nàng kinh hoàng ngất lịm. Lúc tỉnh dậy thì thấy mình nằm bên bờ sông và thuồng luồng đã bỏ đi. Từ hôm đó nàng thấy trong lòng chuyển động và mang thai. Không chịu được những lời gièm pha khinh thị, nàng đành phải trốn khỏi làng đến xin ngụ cư ở trang Hoa Giám (nay thuộc thôn Yên Lạc, Duy Tiên, Hà Nam). Sau một thời gian, nàng sinh ra một bọc là ba con rắn trườn xuống sông. Vào một đêm trăng sáng, trời bỗng nổi cơn giông, ngoài cửa sông sấm sét nổi lên dữ dội. Đến gần sáng, gió mưa ngớt dần, mọi người đều thấy dưới sông có tiếng người ngâm vịnh:
“Sinh là tướng, hóa là thần
Tiếng thơm còn ở trong dân muôn đời
Khi nào giặc dã khắp nơi
Bọn ta mới trở thành người thế gian”
Vị thần đó chính là Phạm Vĩnh, người có công giúp vua Hùng đánh giặc, được vua phong là “Nhạc Phủ Ngư Thượng Đẳng Thần”. Theo thần tích thì sau khi thắng trận, ông tự hóa về trời và được vua phong “Trấn Tây An Tam Kỳ Linh Ưng Thái Thượng Đẳng Thần”, đồng thời đặt lệ quốc lễ. Theo truyền thuyết người dân kể lại thì trong một trận đánh, ông đã bị chết trận, xác ông bị chém làm đôi rồi ném trôi sông, phần đầu trôi dạt vào bãi sông thuộc làng Xích Đằng (phường Lam Sơn, Thành phố Hưng Yên), dân làng đã lập đền thờ tưởng nhớ ông. Còn phần thân dạt vào ven sông thuộc thôn Yên Lạc (xã Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam) cũng được dân làng chôn cất và lập đền thờ tưởng nhớ, đó là đền Lảnh Giang. Nhưng đền Quan Lớn vẫn là đền chính thu hút rất đông du khách trong nước cũng như khách quốc tế.

Rẽ vào Văn miếu Xích Đằng, biểu tượng của nền học vấn Hưng Yên xưa, ấn tượng đầu tiên của du khách là hai hàng cây đại thụ hun hút dẫn đến một nghi môn cổ kính hai tầng. Qua cổng nghi môn là một khoảng sân rộng, ở giữa sân là “con đường thập đạo”, lối đi dành riêng cho quan lại và các vị giám khảo trong các kỳ thi xưa. Thay vì lầu trống như ở các văn miếu Quốc tử giám, văn miếu Mao Điền, ở văn miếu Xích Đằng lầu trống được thay vào bằng lầu chuông. Tiếng chuông và tiếng khánh vang lên chính là lúc báo hiệu giờ thi đã bắt đầu và kết thúc, đồng thời nó cũng là tiếng cầu thỉnh tỏ lòng biết ơn, tri ân với những bậc hiền nho trong mỗi dịp lễ hội. Khu nội tự kết cấu theo kiểu chữ Tam: gồm Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Hệ thống mái được kết cấu theo kiểu “trùng thiềm địa ốc”. Mặt chính quay về hướng nam. Bên trong khu nội tự tỏa sáng với hệ thống các đại tự, cấu đối, cửa võng và một hệ thống các trụ, kèo được sơn son thếp vàng phủ kim hoàn toàn. Hiện vật quý giá nhất trong văn miếu còn lưu giữ được đến ngày nay đó chính là 9 tấm bia đá khắc tên tuổi, quê quán, chức vụ của 161 vị đỗ đại khoa ở trấn Sơn Nam thượng xưa. Trong đó có 138 vị ở Hưng Yên và 23 vị ở Thái Bình.
Phố Hiến ngày nay không còn quang cảnh tấp nập nhộn nhịp, sầm uất như một thương cảng từng vang bóng. Dấu ấn của một thương cảng quốc tế lớn nhất nhì Việt Nam chỉ còn phảng phất qua vài di tích bắt gặp dọc đường. Đó là chùa Hiến (còn gọi là Thiên Ứng tự), nơi lưu giữ hai tấm bia đá ghi lại quá trình tụ cư của thương cảng phố Hiến. Ngôi chùa này còn có cây nhãn Tổ đã hơn 300 năm, nằm trước cửa chùa. Đây là cây nhãn đường phèn có dáng hình đẹp, quả to, cùi dày, hương vị thơm ngon. Mỗi mùa nhãn chín, các nhà sư thường chọn hái để dâng đức Phật, cúng thành hoàng và để quan lại địa phương tiến vua. Thân cây chính nay đã mục ruỗng, chỉ còn một nhánh được vun gốc, phát triển thành cây “hậu duệ”, hiện diện như một biểu tượng của giống nhãn đặc sản Phố Hiến - Hưng Yên.
Cách chùa Hiến không xa là nhà Đông Đô Quảng Hội được xây dựng năm 1590, từng là nơi hội họp của các thương gia nước ngoài, chủ yếu là người Hoa đến làm ăn, buôn bán tại vùng Phố Hiến vào thế kỷ XVI, XVII. Cánh cổng vẫn đóng hằng ngày, chỉ trơ những khung gỗ đã ngả màu nâu thẫm. Con đê dài hun hút, quanh co với những tán cỏ xanh mượt. Dưới ánh trời chiều, một vài người phụ nữ thong thả đạp xe đi làm đồng, còn mấy cụ già, em nhỏ ngồi dưới những gốc nhãn thân sần sùi, trổ màu hoa lấm tấm ven đê.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét