Hiển thị các bài đăng có nhãn du lịch hà nội. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn du lịch hà nội. Hiển thị tất cả bài đăng

9 thg 9, 2013

Hà Nội 12 mùa hoa


Mùa nào hoa ấy, hiếm có nơi nào như thủ đô Hà Nội quanh năm khoe sắc hoa tươi. Cùng điểm qua những loài hoa làm nên sức quyến rũ riêng của Hà Nội.

>>

Điểm danh các món ăn đường phố ở Hà Nội




Tháng giêng thắm sắc hoa đào

Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, ta lại bắt gặp hình ảnh những người trồng hoa chở theo những cành đào chúm chím nụ trên chiếc xe đạp cũ dạo khắp các nẻo phố phường. Nhìn những cánh hoa thắm mỏng manh rung rinh trong làn mưa bụi, lòng người bỗng thấy xuyến xao bởi mùa xuân đã bắt đầu gõ cửa mọi nhà.

Hoa đào bích...

Cùng hoa đào phai đua nhau khoe sắc.

Sắc hồng không thể thiếu trong mùa xuân miền Bắc.

Thiếu nữ chụp ảnh bên hoa đào.

Hoa sưa trắng trời tháng 2

Cứ mỗi dịp cuối tháng 2 và đầu tháng 3 âm lịch, Hà Nội lại trở nên sáng bừng với màu trắng tinh khiết của hoa sưa.
Hoa sưa đẹp nhưng mùa hoa lại ngắn, nở rất nhanh nhưng cũng chóng lụi tàn. Có khi chỉ sau một đêm hoa đã nở trắng trời như một món quà bất ngờ không hẹn trước. Nhưng rồi lại nhanh chóng rụng xuống theo gió,mưa xuân, nhường chỗ cho sắc lá xanh non.
Hoa sưa nở trắng trời Hà Nội...


Sắc hoa trắng tinh khôi...

Nhưng mỏng manh và dễ tàn.

Tháng 3 hoa gạo

Hoa gạo hay còn được biết đến với những cái tên khác như mộc miên hay pơ lang là loài hoa quen của các làng quê Bắc Bộ. Hoa gạo là thứ hoa thắp lửa đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ. Hoa gạo nở báo hiệu mùa xuân sắp hết để nhường chỗ cho những ngày hè chói chang.

Hình ảnh những bông gạo đỏ rực  không chỉ tạo một vẻ đẹp thanh bình mà còn có thể làm nhói lòng những người con xa quê khi nhớ về quê hương và những ký ức tuổi thơ.

Hoa gạo rực trời mỗi độ tháng ba về.

Loài hoa này gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt

“Bao giờ cho đến tháng ba, hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn".
Loa kèn tháng 4

Tháng 4 về, lẫn với khúc hát mùa hè, là lúc những chiếc xe chất đầy loa kèn rong ruổi khắp các ngõ phố của mảnh đất Kinh kỳ. Những ngày này, dường như ai cũng muốn bớt chút vội vã, dừng lại bên gánh hàng dong, chọn mua về những đóa hoa có sắc trắng mong manh và hương thơm tinh khiết.

Những ruộng loa kèn nở rộ.

Loa kèn xuống phố.

Khiến bao người vấn vương.

Tháng 5, bằng lăng và phượng vĩ  của tuổi học trò

Bằng lăng và phượng vĩ là hai thứ hoa đặc biệt của tuổi học, của mùa thi và mùa chia tay mái trường. Hai loại hoa tiếp bước nhau làm nên màu sắc của cả một mùa hạ dài. Khi sắc tím của bằng lăng dần nhạt màu theo những cơn mưa hạ thì cũng là lúc phượng vĩ bắt đầu đốt hết mình rực rỡ trong nắng hè.
Loài hoa mang màu mực tím.


E ấp nơi giỏ xe những cô nữ sinh.

Phượng vĩ - loài hoa thắp lửa tuổi học trò.

Nhuộm đỏ những góc trời.

Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng.

Tháng 6 hoa sen

Mỗi độ tháng sáu về, sen lại hé nụ khoe sắc hương quyến rũ. Để có được những bó hoa tươi, đẹp, những người hái sen phải thức dậy từ sớm tinh mơ, khéo léo lách thuyền trong hồ, chọn hái từng bông.

Tháng 6 - mùa hoa sen
Trong đầm gì đẹp bằng sen.

Nụ sen chúm chím sớm mai.

Sen trắng mong manh, thuần khiết.

Hoa sen theo chân cô bán hàng xuống phố.

>> Ngắm những cánh đồng hoa rực rỡ tại VN


Tháng 7 của hướng dương và xà cừ

Hoa hướng dương đặc biệt được nhiều bạn trẻ ưa thích. Những gánh hàng hoa vàng rực hòa cùng màu nắng khiến ai cũng muốn đưa mắt ngắm nhìn mỗi khi bắt gặp trên đường.

Những bó hướng dương nhuộm vàng góc phố.

Loài hoa với ý nghĩa hướng về mặt trời, hướng về ánh sáng.

Cùng với hướng dương là hoa xà cừ - một loài hoa giản dị của mùa hạ Hà Nội mà ít người biết tới. Sau mùa trút lá, những bông hoa màu vàng trắng sẽ bắt đầu xuất hiện, chúng rất nhỏ và nếu không để ý, bạn sẽ rất khó phát hiện ra nếu có đi ngang qua.

Rất khó để phát hiện ra hoa xà cừ.

Cánh hoa nhỏ rụng lối ta đi.

Tháng 8, trở lại với tuổi thơ cùng hoa dâu da xoan

Khi những trận mưa rào nặng hạt đặc trưng của mùa hè tới thấm đẫm mặt đất sẽ là thời điểm rộ nở của dâu da xoan. Hoa kết thành từng chùm li ti, trắng tinh khiết. Mỗi khi có cơn gió thổi qua, từng vạt hoa rơi xuống trắng cả con đường.

Hoa dâu da nở trắng đường.

Những bông hoa trắng li ti đã quen thuộc với bao thế hệ người Việt.

Đón chờ những chùm quả lúc lỉu.

Tháng 9 ngọt ngào với hoa sữa

Nhắc đến mùa thu Hà Nội, người ta thường nhớ ngay đến hoa sữa. Những chùm hoa vàng nhạt cũng mùi hương dào dạt đã đi vào những khúc ca về Hà Nội rất tự nhiên. Vội vã trên dòng đời xuôi ngược, người ta có thể quên ngày, quên tháng, nhưng một mùi hương ngọt ngào thoảng hoặc bất ngờ thoáng qua cũng đủ để nhắc họ rằng mùa thu đã về.

Hoa sữa ngọt ngào đầu phố.

Những chùm hoa mang sắc trắng ngả vàng.

Báo hiệu mùa thu đã về.

Tháng mười cúc lại nở hoa

Thu sang, cúc đến - loài hoa của riêng mùa thu mang nét phảng phất buồn của những ngày sắp chuyển đông giá rét. Hoa cúc vàng như gom lại hết chút nắng cuối hè còn sót lại, sánh bên hoa cúc trắng mỏng manh, tinh khôi mang đến "chất thu" rất đặc trưng của Hà Nội.

Cúc vàng gom nắng mùa thu.



Gánh hàng hoa

Cúc họa mi tinh khiết.

Tháng 11 hoa lưu ly

Tím biếc trên những giỏ xe, hoa lưu ly đi qua phố trong những ngày giá rét. Với nhiều người, loài hoa tím mỏng manh này tượng trưng cho sự thủy chung. Mùa hoa lưu ly chỉ rộ khoảng hai tuần rồi biến mất trước khi những cơn gió lạnh giá của mùa đông ào ào qua phố vắng.

Sắc tím dịu dàng mỏng manh của lưu ly.

"Xin đừng quên em".

Tháng 12 hoa cải về trời

Hà Nội có một mùa đặc biệt xen giữa những ngày đông u ám giá lạnh: mùa hoa cải. Cuối tháng mười một, hoa cải bắt đầu nở và sang tháng mười hai, cải bắt đầu vàng rực một góc trời, đung đưa trong gió. Có người nói, hoa cải là thứ hoa quê mùa, giản dị đến nỗi nhiều khi bị bỏ quên, tự nở tự tàn, tự lụi nhưng có lẽ ít ai biết rằng, cái quê mùa ấy đã gắn liền với tuổi thơ của bao lớp người Việt...

Những cánh đồng hoa cải bát ngát.

Thứ hoa dân dã.

... gắn với tuổi thơ rất nhiều người.

16 thg 8, 2013

Thăm lại "nón lá làng Chuông"

Làng Chuông chỉ cách trung tâm thủ đô Hà Nội có 40 km, vẫn giữ được nét thanh bình của làng cổ đồng bằng Bắc Bộ với cổng làng, cầu đá, cây đa… Đặc biệt, đây là làng nghề làm nón truyền thống, hàng ngày sản xuất ra hàng vạn chiếc nón gửi đi khắp nơi.

“Muốn ăn cơm trắng cá trê
Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”

Chẳng biết câu ca dao này đã được lưu truyền từ bao giờ, chỉ biết rằng nhắc đến làng Chuông, Thanh Oai, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) là nhắc tới một làng nghề làm nón truyền thống, nơi lưu giữ những nét đẹp cổ truyền của người dân Việt. Tài liệu không ghi rõ nghề nón ra đời năm nào, tháng nào, nhưng người già trong làng khẳng định nón đã thành nghề ở Chuông từ ba thế kỷ trước.


Có một thời, người dân ở Chuông sản xuất đủ loại nón khác nhau như nón ba tầm, nón chóp cho đàn ông… Tuy nhiên, từ năm 1940 tới nay, thợ nón ở Chuông chỉ còn sản xuất một loại duy nhất là chiếc nón lá quen thuộc mà bạn thường thấy. Ngày nay, cùng với sự phát triển của ngành du lịch, nón lá làng Chuông không chỉ là vật dụng che mưa, che nắng hàng ngày mà đã trở thành mặt hàng lưu niệm được ưa thích của khách Việt và cả khách nước ngoài.




Chính tại cổng làng này, mỗi tháng, người dân họp chợ 6 phiên, bán nón lá truyền thống và cả các nguyên liệu làm nón. Trong năm, nón lá làng Chuông bán chạy nhất vào tháng 5, 6 và 7.



Nón lá làng Chuông có 16 lớp vòng khung, được xem là con số hoàn hảo để tạo cho nón Chuông nét hài hòa, vừa vặn với gương mặt người đội. Thú vị hơn cả vẫn là được nhìn thấy những người thợ Chuông đan nón rất khéo léo. Tàu lá nón có màu xanh nhạt, phải hun bằng khói diêm sinh mới lên màu trắng toát.



Ngoài chợ Chuông, hàng năm vào dịp 10.3 âm lịch, khách thập phương cũng đổ xô về đây để dự lễ hội làng Chuông. Lễ hội còn lưu giữ nhiều nét đẹp của ngôi làng cổ Bắc Bộ như chơi cờ người, rước kiệu, thổi cơm thi… Ngôi làng ngoại vi Hà Thành này là điển hình cho những nét đẹp văn hóa được lưu giữ rất tốt tại Việt Nam.


Nếu có dịp tới thăm làng Chuông, đừng quên ghé qua chợ Chuông sắm cho mình chiếc nón lá.