Hiển thị các bài đăng có nhãn du lịch trung quốc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn du lịch trung quốc. Hiển thị tất cả bài đăng

17 thg 9, 2013

Nét xưa Vô Tích bên bờ Thái Hồ

Vô Tích có cảnh sơn thủy hữu tình, đẹp như tranh vẽ, lại gắn liền với nhiều truyền thuyết. Vô Tích là thành phố cổ, trực thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ban đầu, thành phố có tên là Tích Sơn, lấy theo tên ngọn núi nơi có rất nhiều mỏ thiếc. Thời Chiến Quốc, trong những trận chiến tranh liên miên, người dân Tích Sơn đều lấy thiếc tại đây để làm vũ khí.

Năm 223 trước công nguyên, tướng nước Tần là Vương Tiễn tới Tích Sơn, đào được bia đá có ghi chữ: "Hữu tích: binh, thiên hạ tranh; vô tích: ninh, thiên hạ thanh"nghĩa là "Có thiếc thì đánh nhau, thiên hạ loạn, không có thiếc thì yên, thiên hạ thái bình". Lượng thiếc ở Tích Sơn từ đó cũng vơi đi.

Vương Tiễn cho rằng đó là lời cổ nhân truyền dạy, rằng nếu không có thiếc, không sản xuất được vũ khí thì thiên hạ thái bình, liền đổi tên nơi này thành Vô Tích (không có thiếc). Chỉ 2 năm sau đó, chiến tranh kết thúc, chấm dứt thời kỳ Xuân Thu - Chiến Quốc kéo dài tới 550 năm.



Quả đúng như tên gọi, Vô Tích ngày nay rất thái bình, yên ả, với cảnh đẹp sơn thủy và những ngôi nhà cổ đẹp đến nao lòng. Những kiến trúc ở Vô Tích đặc trưng cho kiểu kiến trúc Giang Tô, vẫn được bảo tồn rất tốt tới tận ngày nay.



Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi nên thời tiết ấm áp, ôn hòa quanh năm, nằm gần sông Dương Tử và kênh đào Đại Vân Hà, lại rất thịnh vượng nên được mệnh danh là "vùng đất của cá và gạo". Đặc biệt, vào thế kỷ 19, đây là cảng gạo và cá nổi tiếng bậc nhất đất nước.





Thắng cảnh trứ danh của Vô Tích là Thái Hồ. Thái Hồ rộng lớn, đẹp tuyệt bất kể bốn mùa và mọi thời điểm trong ngày. Thái Hồ có tới 90 hòn đảo lớn nhỏ với tên gọi thú vị: đảo Đầu Rùa, đảo Thần Tiên... Cảnh non xanh nước biếc hữu tình nơi đây từng đi vào nhiều áng thơ, văn bất hủ.





Trên ngọn núi Tần Lý, Mã Sơn, Vô Tích, còn có một địa danh khác mà ít ai bỏ qua khi tới thành Vô Tích. Đó là Đại Phật Linh Sơn, cao lớn sừng sững, sau lưng là núi, trước mặt là Thái Hồ. Đại Phật cao 88 mét, với rất nhiều truyền thuyết truyền tụng xung quanh như việc nhìn thấy hào quang quanh tượng Phật. Khách du lịch đến núi Tần Lý cũng thường ôm chân Đức Phật vì tương truyền điều này sẽ mang lại bình an.





Ngoài những công trình cổ xưa, Vô Tích còn nổi tiếng với phim trường của đài phát thanh và truyền hình Bắc Kinh xây dựng. Nơi đây có đầy đủ chùa chiền, đền, tháp, cung điện được dựng lại, phục vụ cho những bộ phim lừng danh như Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy Hử, Dương Quý Phi...



Du khách cũng có cơ hội dạo bước trong những khu vườn đậm chất Giang Tô với những cây cầu cong cong, uốn mình bên làn nước xanh mát như vườn Li, vườn Mei...

22 thg 8, 2013

Độc đáo khách sạn hoành tráng giữa sa mạc


Giữa vùng sa mạc Xiangshawan của vùng Nội Mông hoang dã, cách thủ đô Bắc Kinh tới 800 km, du khách sẽ hết sức bất ngờ khi được tận mắt chiêm ngưỡng một khách sạn hoành tráng, được đặt với cái tên thơ mộng: Desert Lotus (Hoa sen của sa mạc).



Kiến trúc khách sạn là sự kết hợp giữa những chiếc lều trắng hình tam giác, tạo thành một dáng tròn như bông sen đang nở nếu nhìn từ trên cao xuống.


Khu nghỉ dưỡng này được xây dựng với các vật liệu rất thân thiện với môi trường, chủ yếu sử dụng năng lượng mặt trời, sức nước và sức gió trên sa mạc để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thiên nhiên. Tường chịu lực với màu trắng và các góc được bố trí hợp lý để làm giảm sức nóng của ánh mặt trời đối với khách nghỉ bên trong.



Do có những hạn chế vì điều kiện khí hậu và địa hình đặc biệt, nhóm kiến trúc sư xây dựng khách sạn đã nghĩ ra một hệ thống kiến trúc có thể trụ vững, cố định trên cát mà chỉ cần tới cốt thép chứ không cần bê tông.



Khách sạn chỉ là một phần của dự án resort đầy tham vọng trên những trảng cát mênh mông, với hy vọng lôi kéo được nhiều khách du lịch hơn nữa tới vùng nội Mông. Theo dự kiến, khách nghỉ tại khu resort này sẽ được xem các màn biểu diễn truyền thống Mông Cổ, cưỡi lạc đà và trượt cát sa mạc…




16 thg 8, 2013

Vẻ độc đáo của tháp canh Khai Bình

Tới thăm Khai Bình, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng một loạt các tháp canh độc đáo như vậy mà còn được trải nghiệm những nét văn hóa địa phương vô cùng đặc sắc, nổi bật phải kể đến là tháp canh trên các cánh đồng lúa.

Được xây dựng cách đây cả nghìn năm, những ngọn tháp canh rải rác trên đồng lúa ở Khai Bình, Quảng Đông, Trung Quốc là một trong những di sản được UNESCO công nhận.




Những ngọn tháp cao cổ kính này được xây dựng từ những năm đầu đời Minh (1368 – 1644) với mục đích chống lại sự tấn công của những kẻ xâm lược và kẻ cướp trong vùng. Ngoài ra, những cơn lũ lớn thường xuyên kéo tới cũng làm tăng nhu cầu xây dựng những ngọn tháp này, vì vậy, tháp ở Khai Bình có ba loại chính: tháp phòng thủ, tháp để sinh sống và tháp công cộng cho các hoạt động chung của cả cộng đồng.




Hầu hết các ngọn tháp đều được xây cao, cấu trúc vững chắc với tường dày và cửa sổ nhỏ. Vào đầu thế kỷ 19, Khai Bình trở thành điểm đến của rất nhiều dân tỵ nạn nước ngoài. Nhiều người dân Khai Bình từng thoát ly trước đó cũng trở về làng quê, xây dựng thêm nhiều ngọn tháp canh với đôi chút hơi hướng phương Tây theo “mốt” thời đó.




Đến thời kỳ này, tháp canh được coi là cách để chủ nhân phô trương sự giàu có. Ngọn tháp các được thiết kế cầu kỳ, tỉ mỉ bao nhiêu, càng chứng minh chủ nhân của nó hào nhoáng, xa xỉ bấy nhiêu. Cùng với những ngọn tháp cổ từ thời Minh, các tháp mới đầu thế kỷ 20 với kiến trúc đặc biệt này cũng được UNESCO công nhận là thuộc quần thể di sản thế giới, tạo thành quần thể gần 2.000 tháp đáng ngưỡng mộ.




Phong cách Baroque, Roman và Gothic để lại những ảnh hưởng trông thấy trên nhiều ngọn tháp. Những người Trung Quốc từng ra nước ngoài đã mang các yếu tố ngoại lai này vào kiến trúc truyền thống. Trong nhiều trường hợp, các thợ xây, thợ khắc địa phương phải làm việc dựa trên những tấm bưu thiếp được gửi về từ nước ngoài.




Một trong những tháp canh ấn tượng nhất phải kể đến nằm trong vườn Li. Được xây dựng từ năm 1936 bởi một thương nhân giàu có, quần thể công trình rộng tới 11.000 mét vuông, bao gồm 1 tháp canh, 6 biệt thự, 2 vườn và nhiều hồ, cầu… Nội thất bên trong cùng vật liệu xây dựng đều được nhập về từ nước ngoài.


Được làm từ một loại thảo mộc Trung Quốc, thạch là món ăn quen thuộc mùa hè của người dân nơi đây, ăn cùng với si rô, mật ong hoặc sữa đặc. Vị ngọt của các món này sẽ trung hòa vị đắng của cỏ.

9 thg 8, 2013

Độc đáo chiếc cầu gỗ 3 tầng, 5 mái vòm

Một chiếc cầu hùng vĩ,vững trải vượt thời gian, câu hỏi hóc búa cho nền kiến trúc đương đại khi những cây cầu này được xây dựng mà không hề có một cây đinh nào.


Người Động là một cộng đồng dân tộc thiểu số, sống rải rác trong các ngôi làng ở Hồ Nam, Hồ Bắc, Quảng Châu và Quảng Tây, Trung Quốc. Người dân nơi đây nổi tiếng với món bánh gạo truyền thống ngon miễn chê cũng như kỹ thuật xây cầu có một không hai.

Những cây cầu bắc qua sông, hồ ở nơi người Động sinh sống được gọi là cầu Phong Vũ (Gió mưa). Sở dĩ cầu có cái tên như vậy là vì phần mái của cầu giúp che gió, mưa, nắng cho người dân nơi đây. Ngoài ra, cầu còn được gọi là “cầu hoa” vì kiến trúc tuyệt đẹp như hoa nở của chúng.



Vào những ngày mưa gió cũng như nắng gắt, người dân địa phương thường tụ tập tại đây để gặp gỡ, hẹn hò, tâm sự, xả stress…



Cầu Phong Vũ là sự kết hợp giữa cầu, tháp và mái che, được làm toàn bộ từ chất liệu gỗ. Phía bên trong cầu còn có các hàng ghế để du khách ngồi nghỉ chân dưới mái che của cây cầu. Tháp, mái và thành cầu đều được trang trí với các họa tiết chạm khắc rồng, phượng, hạc… đặc trưng.






Điểm đặc biệt nhất trong kiến trúc cầu Phong Vũ là không phải sử dụng đến bất cứ một chiếc đinh nào để gắn kết cả một cấu trúc nặng như vậy nhưng cây cầu vẫn trụ vững được hàng trăm năm. 





Cây cầu Phong Vũ nổi tiếng nhất Trung Quốc nằm ở tỉnh Quảng Tây. Cầu được xây dựng năm 1916 với 3 tầng và 5 mái vòm lớn. Cây cầu dài tới 64,4 mét và cao 10,6 mét.









Trụ cầu được làm từ đá nhưng các cấu trúc phía trên đều là gỗ, phần mái có lợp bằng gạch. Đứng trên cây cầu này, du khách có thể chiêm ngưỡng dòng sông Linxi quanh co bên dưới, hai bên bờ là những cánh đồng chè và rừng xanh mát trải dài theo những sườn đồi thoai thoải. Những cây cầu này thu hút hàng nghìn khách du lịch tham quan mỗi mùa hè.